Nhằm hạn chế tai nạn đuối nước, ngành Giáo dục TP Kon Tum đã triển khai mô hình “Bể bơi 0 đồng”.
Đồng thời, hướng dẫn các em cách sơ cấp cứu, ứng phó khi gặp tình huống trên.
14 giờ chiều ngày thứ Tư của năm học mới, 30 học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mặc trang phục gọn gàng chuẩn bị cho buổi học bơi miễn phí. Bể bơi di động được thiết kế dài 14m, rộng 8m, cao hơn 1m, phía ngoài là một khung sắt tháo lắp được, phía trong lót lớp bạt dày. Mực nước trong bể luôn duy trì ở độ cao từ 0,6 – 0,8m.
Cô Vũ Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, toàn trường có 699 học sinh, trên 60% là người dân tộc thiểu số. Điều kiện sống của học sinh còn khó khăn nên việc huy động kinh phí xã hội hoá là không thể. Gia đình sinh sống gần ao hồ, sông suối và học sinh hiếu động, thường xuyên bơi lội, nghịch nước. Chính vì vậy, nguy cơ đuối nước rất cao.
Theo cô Hằng, cách đây 2 năm, sau khi các em tan trường ra về, một học sinh đã gặp nạn, bị đuối nước tử vong. Do đó, nhà trường mong muốn sớm triển khai mô hình dạy bơi miễn phí cho học sinh trong trường cũng như những khu vực có nhiều ao hồ, sông suối. Không những vậy, nhiều trường không đủ kinh phí để xây dựng bể bơi nên việc triển khai mô hình “Bể bơi 0 đồng” đối với các đơn vị và học sinh rất thiết thực, ý nghĩa.
“Dù là bể bơi di động nhưng việc lắp ráp tốn khá nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, các trường vùng sâu vùng xa cũng khó khăn trong việc duy trì hoạt động do thiếu nguồn nước sạch, điện, bơm lọc nước… Nhà trường cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm về chất khử khuẩn, đảm bảo môi trường nước sạch cho học sinh bơi lội”, cô Hằng tâm sự.
Những ngày hè, A Bình (làng Kon Hra, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) thường xuyên ra ao hồ, sông suối để bơi lội cùng các bạn. “Khi biết nhà trường tổ chức dạy bơi miễn phí em liền đăng ký tham gia. Tại đây, thầy cô hướng dẫn em khởi động trước khi xuống nước để tránh chuột rút; chỉ cho em cách sơ cấp cứu và kiến thức an toàn khi ở dưới nước”, em A Bình bộc bạch.
Cũng theo A Bình, sau khi được thầy cô hướng dẫn, phổ biến kiến thức về bơi lội bản thân nhận thấy việc ra ao hồ, sông suối khi không có người lớn rất nguy hiểm. Chính vì vậy, thời gian tới em sẽ cùng bạn bè tham gia những trò chơi bổ ích, lành mạnh và an toàn.
Mặc dù sống gần khu vực có nhiều ao hồ, nhưng 12 tuổi A Phi Hổ (học sinh lớp 6A, Trường THCS Trần Hưng Đạo) vẫn chưa biết bơi. Ngay khi được nhà trường giới thiệu về mô hình “Bể bơi 0 đồng”, A Phi Hổ xung phong tham gia.
“Trước khi được thầy, cô dạy bơi em rất sợ nước. Nhưng khi được giáo viên hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật bơi lội, cách xử lý tình huống em dần an tâm và thích thú. Em sẽ cố gắng học chăm chỉ để có thể bơi giỏi và ứng dụng vào cuộc sống khi gặp những tình huống khẩn cấp, cần cứu giúp người”, em A Phi Hổ bộc bạch.
Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum cho biết, mô hình “Bể bơi 0 đồng” đã được lên ý tưởng từ tháng 8/2022, triển khai lần đầu tiên tại Trường THCS Trần Hưng Đạo. Với diện tích hơn 100m2, bể bơi lắp ráp có trị giá hơn 30 triệu đồng và dụng cụ dạy bơi được nhóm Tổng phụ trách Đội Phòng GD&ĐT Kon Tum đóng góp.
Theo thầy Hoà, mô hình “Bể bơi 0 đồng” dự kiến dừng lại tại mỗi trường học từ 15 – 20 ngày. Tại mỗi trường, giáo viên thể dục trên địa bàn thành phố có kỹ năng bơi lội sẽ luân phiên dạy miễn phí cho học sinh.
“Mô hình bể bơi miễn phí sẽ phục vụ cho các trường, học sinh có điều kiện khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em. Trong thời gian tới, nếu mô hình phát huy hiệu quả, phòng sẽ tham mưu đầu tư đối với những trường vùng ven để học sinh làm quen và được học bơi nhiều hơn”, ông Hoà nói.
Thầy Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Liên Việt (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết, để duy trì mô hình “Bể bơi 0 đồng” nhà trường cử 4 – 5 giáo viên hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho các trường trong thành phố hoặc huyện khi có nhu cầu. Theo đó, mỗi tuần 6 ngày, thầy, cô sẽ luân phiên đến các trường hướng dẫn học sinh bơi, sơ cấp cứu, xử lý khi có người bị đuối nước.