Theo thống kê của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa, mỗi năm toàn tỉnh có 17 học sinh đuối nước. Số học sinh chết đuối chủ yếu tập ở khối Tiểu học và THCS. Đây là vấn đề lo lắng không chỉ của ngành giáo dục, phụ huynh mà của toàn xã hội.
Tỉnh Khánh Hòa đã phát động mạnh phong trào phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước trong nhiều năm qua. Ảnh: Song An |
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã phát động mạnh phong trào phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước. Nhiều chính sách được áp dụng như miễn thuế 5 năm đầu, chỉ thu thuế 10% cho các năm tiếp theo… để khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng hồ bơi, dạy bơi.
Hiện toàn ngành giáo dục Khánh Hòa không có bể bơi nào trong trường học nên việc dạy bơi cho học sinh rất khó khăn. Các hồ bơi ở tỉnh này còn rất ít (chủ yếu tập trung tại các khách sạn, resort cao cấp) nên học sinh khó tiếp cận, tỷ lệ học sinh biết bơi vẫn còn thấp.
Tính đến tháng 10/2016, tỷ lệ học sinh biết bơi ở Khánh Hòa rất thấp. Cụ thể tại cấp tiểu học có khoảng 12.000/96.000 học sinh biết bơi chiếm 12,8%, cấp THCS có khoảng 21,9% học sinh biết bơi trên 75.000 học sinh.
Lãnh đạo Sở GD – ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết Sở đã trình đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 – 2020” để UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trong thời gian tới.
Theo đề án được trình, 8 huyện, TP, thị xã của tỉnh Khánh Hòa sẽ thí điểm xây dựng 2 hồ bơi trong nhà trường trên mỗi huyện, thi xã và TP. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đã khảo sát vị trí đặt hồ bơi tại những trường nào đủ điều kiện và nằm ở vị trí trung tâm để các trường lân cận có thể sử dụng chung hồ bơi. Kinh phí dự kiến xây các hồ bơi khoảng 5 tỷ đồng lấy từ ngân sách tỉnh và địa phương. Khâu quản lý, điều hành, duy tu bảo dưỡng sẽ được xã hội hóa.
Một cơ sở dạy bơi tư nhân trên địa bàn tỉnh thu hút khá đông các học viên. Ảnh: Song An |
Về việc đưa môn bơi vào trường học, ông Ông Lê Đình Thuần, Phó giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Khánh Hòa cho hay: “Sau khi xây dựng hồ bơi, môn bơi lội sẽ đưa vào chương trình giáo dục thể chất như một bộ môn chính khóa. Tuy nhiên, đây không phải là môn bắt buộc, nếu không học bơi các em có thể chọn học các môn cầu lông, bóng bàn, cờ vua… Về kinh phí học bơi, phụ huynh có thể phải đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Điều chắc chắn là mức học phí chắc chắn sẽ thấp hơn các điểm dạy bơi ngoài ngành trên địa bàn”.
Trước những thông tin này nhiều phụ huynh tỏ ra phấn khởi và mong Sở sớm triển khai đề án. Bà Nguyễn Thị Thùy có con học tại trường Tiểu học Phước Tiến cho biết: “Đừng nghĩ cứ ở xứ biển là biết bơi và không đuối nước. Thực tế, trẻ xứ biển có tỷ lệ đuối nước cao do các em không được học bơi bài bản trước khi xuống biển. Do đó, khi nghe tin nhà trường sẽ dạy môn bơi gia đình tôi rất mừng. Ít nhất các em học sinh sẽ có những kỹ năng cần thiết trước khi xuống nước”.
Theo dự thảo đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 – 2020”, mục tiêu trong năm 2017 sẽ dạy bơi được cho 9.000 em ở cấp Tiểu học và THCS; mỗi năm phấn đấu tăng số lượng thêm 4.000- 5.000 em/cấp học; đến năm 2020 có 60% học sinh ở cấp Tiểu học và 75% ở cấp THCS biết bơi.