Dân trí Tổ chức dạy bơi trong trường học được xác định là biện pháp then chốt để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Nghệ An. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là môn thi chính thức tại Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh.
Trong khi đó, thống kê của ngành Công an cho thấy số trẻ em đuối nước trong 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn con số mà ngành LĐ-TB&XH đưa ra. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Công an ghi nhận hơn 40 vụ đuối nước xảy ra, cướp đi sinh mạng của hơn 50 trẻ.
Đặc biệt là những tháng gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tập thể đau lòng. Chiều 29/4, 3 chị em họ tuổi từ 9 – 13 tuổi chết đuối trên sông Hiếu đoạn chảy qua phường Long Sơn (thị xã Thái Hòa, Nghệ An). Tiếp đó, ngày 30/5, một nhóm 5 học sinh lớp 8 ở huyện Yên Thành (Nghệ An) thiệt mạng vì đuối nước trong quá trình đi liên hoan cuối năm học. Ngày 23/6 vừa qua, tại huyện Thanh Chương xảy ra vụ đuối nước tập thể khiến 3 nam sinh tử vong…
Trong số các vụ đuối nước xảy ra vừa qua, nhiều học sinh chưa biết bơi, tuy nhiên cũng có những em biết bơi, thậm chí bơi thành thạo nhưng do thiếu kỹ năng nên khi cứu bạn đuối nước cũng bị đuối nước theo. Vì vậy, ngoài dạy bơi, việc trang bị kỹ năng cứu người đuối nước, đặc biệt là tự cứu mình cũng hết sức quan trọng.
Mặc dù các vụ đuối nước đều xảy ra ngoài giờ học, ngoài khuôn viên nhà trường tuy nhiên, trước tình trạng đuối nước gia tăng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ngành Giáo dục Nghệ An đã có kế hoạch cụ thể để ngăn chặn tình trạng này.
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cái khó nhất hiện nay là môn bơi chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Ở bậc tiểu học, chưa có giáo viên thể dục mà do giáo viên Tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học bơi, dạy bơi (ngoài giờ lên lớp) rất thiếu. Toàn tỉnh Nghệ An chỉ mới có 200 bể bơi, trong đó mới chỉ có 150 bể bơi cố định, tập trung chủ yếu ở TP, thị xã và trung tâm các huyện.
Trước tình hình đó, vừa qua Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh, tổ chức lớp tập huấn dạy bơi cho 600 giáo viên bậc tiểu học, THCS trong toàn tỉnh. Lớp tập huấn này sẽ được triển khai vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới. Đây là tiền đề để tỉnh này đưa môn bơi vào trường học như một môn bắt buộc nhằm trang bị cho các em kiến thức cơ bản, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước.
“Hiện nay Bộ GD&ĐT chưa đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong chương trình học hàng năm đều có số tiết dành cho chương trình giáo dục địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, đưa môn bơi vào trong phần chương trình giáo dục địa phương như một môn học bắt buộc. Bên cạnh đó, môn bơi cũng sẽ được đưa vào môn thi đấu chính thức của Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh, tiến tới phổ cập bơi cho học sinh tiểu học, trung học toàn tỉnh”, ông Thái Văn Thành cho biết.
Về sơ sở vật chất phục vụ việc dạy bơi, học bơi, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí để mỗi trung tâm huyện có 1 bể bơi. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục phối hợp với các sở ngành liên quan sẽ đẩy mạnh phong trào xã hội hóa xây dựng bể bơi trong các trường học. Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không đủ điều kiện để xây dựng bể bơi, phương án đưa ra là sẽ sử dụng bể bơi di động để phục vụ dạy và học bơi trong nhà trường.
Bên cạnh kế hoạch đưa môn bơi vào trường học của Sở GD&ĐT, tỉnh Nghệ An cũng phân công Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Y tế, Sở Văn hóa – Thể thao và các địa phương đánh giá kết quả thực hiện các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” và các mô hình dạy bơi hiệu quả để đề xuất nhân rộng các mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, đánh giá việc thực hiện phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em tại các cơ sở, trước mắt tổ chức đợt kiểm tra vào tháng 7/2019.
Hoàng Lam