Tin tức

Những phụ nữ vì cộng đồng: Bà Sáu Thia và 2.300 “rái cá nhí”

Suốt 17 năm, bà Sáu Thia được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý mến gửi con học bơi

Chứng kiến nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước qua truyền hình, bà Trần Thị Kim Thia (67 tuổi; ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) tham gia dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ vùng sông nước.

Dạy bơi tốc hành

Bà Trần Thị Kim Thia được người dân gọi với cái tên thân thương là “bà Sáu Thia”, vì bà thứ sáu trong gia đình. Bà Sáu quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nhà nghèo, ba mẹ bà lần lượt qua đời nên lúc 34 tuổi, bà Sáu tha hương đến xã Hưng Thạnh làm thuê kiếm sống. Người phụ nữ hơn một đời người dầm mưa dãi nắng làm việc nặng nhọc nên màu da sạm đen, sức vóc lực lưỡng như đàn ông.

Năm 1992, chính quyền xã Hưng Thạnh vận động bà Sáu tham gia công tác Chi hội Phụ nữ ấp 4. Năm 2002, UBND xã triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Sáu được mời làm “huấn luyện viên” dạy bơi cho hàng ngàn trẻ ở vùng sông nước. Bà Sáu Thia dù chỉ với kinh nghiệm dạy bơi “miệt vườn” nhưng những đứa trẻ được bà dạy rất nhanh biết bơi, nhanh nhất thì 5 ngày, chậm cũng 10 ngày là “tốt nghiệp”. Để an toàn cho trẻ, bà Sáu Thia lặn xuống sông cắm cọc tre, bao lưới mùng làm hàng rào xung quanh để biến thành “hồ bơi” dã chiến. “Trước khi cho tụi nhỏ xuống là tôi phải bơi lặn trước kiểm tra xem có gì không để tụi nhỏ không bị đau” – bà Sáu cho biết.

Tiếng lành đồn xa, suốt 17 năm qua, bà Sáu Thia được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý mến gửi con học bơi. Trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7 – 15 tuổi. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi, kéo dài không quá 15 ngày. Ngoài khoản trợ cấp của UBND xã Hưng Thạnh khoảng 300.000 đồng/lớp, bà không nhận học phí của bất kỳ phụ huynh nào, cho dù họ “nhét túi” riêng để cảm ơn. “Tôi coi tivi thấy nhiều trường hợp trẻ chết đuối mà thương lắm nên muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để tự bảo vệ mình” – bà Sáu Thia khiêm tốn.

Dù bà rất nghiêm khắc khi dạy bơi nhưng trẻ em, phụ huynh trong xã Hưng Thạnh ai cũng yêu mến bà Sáu. Em Trần Thanh Tuấn (12 tuổi) đang tập bơi khoe: “Trước chưa biết bơi, con sợ nước lắm, nhờ bà Sáu dạy mà con dám bơi nè. Lúc dạy bà hay la nhưng tụi con đứa nào cũng thương bà”. Đứng trên bờ, xem con trai tập bơi, ông Trần Thanh Tính giọng sang sảng tự hào nói về bà Sáu Thia: “Bả dạn tay lắm, chứ nhát tay tập tụi nhỏ hổng biết bơi đâu. Con trai tôi tập hổm rày đã biết bơi rồi đó chú”.

Những phụ nữ vì cộng đồng: Bà Sáu Thia và 2.300 rái cá nhí - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, thăm và tặng quà cho bà Sáu Thia

Xã không có trẻ đuối nước

Cũng vì cuộc sống khó khăn, phận gái làm thuê nên bà Sáu Thia chẳng dám nghĩ đến chuyện tình cảm. “Tôi sống tự lập lúc 15 tuổi nên ăn nói cứng cỏi, không được nhu mì như bao cô gái khác. Năm 20 tuổi, có người thanh niên ngỏ lời cầu hôn nhưng bản thân tự ti nên tôi ở một mình tới nay. Cuộc sống cô đơn nhưng bù lại, dạy bơi cho hàng ngàn đứa trẻ như con cháu ruột là tôi vui rồi” – bà Sáu Thia trải lòng.

17 năm qua, bà không ngại vất vả tự nguyện tham gia dạy bơi miễn phí cho hơn 2.300 “rái cá nhí” sống ở vùng sông nước. Ngoài việc dạy bơi cho trẻ và tham gia công tác chi hội phụ nữ, nhiều năm qua, bà Sáu Thia còn tham gia Chi hội Hội Chữ thập đỏ ấp và cộng tác viên kế hoạch hóa dân số. Ông Lê Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, cho biết dù gia cảnh khó khăn nhưng bà Sáu Thia rất tâm huyết trong công tác xã hội, nhất là công tác phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn xã Hưng Thạnh. Nhờ những đóng góp của bà mà trên địa bàn xã không có trường hợp trẻ bị đuối nước. Thời điểm có lịch dạy bơi, mỗi buổi sáng bà Sáu Thia dậy sớm cưỡi chiếc xe máy cà tàng đến chỗ dạy bơi, sau đó về đi làm thuê, hoặc nhận vé số đi bán dạo. Hôm chúng tôi ghé nhà thăm cũng là lúc bà vừa đi dạy về, ăn vội bữa cơm trưa đạm bạc rồi đi bán vé số. Chúng tôi hỏi: “Khi nào bà mới nghỉ dạy bơi cho trẻ?”. Bà trả lời ngay: “Khi nào tôi đi hết nổi thì mới nghỉ dạy cho tụi nhỏ. Tôi đi dạy bơi để tìm niềm vui trong cuộc sống, gần gũi tụi nhỏ. Ngày nào không đi dạy, tôi cảm thấy ngứa ngáy lắm”.

Trong lần đi công tác, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ghé thăm và có cảm nhận về bà: “Chị Sáu Thia, một người không gia đình nên tất cả trẻ học bơi được chị chăm sóc, dạy dỗ như là con, cháu của mình, còn phụ huynh các cháu thì chị xem như là người thân ruột thịt. Chắc là phải có tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, chị mới sẵn sàng làm một việc thiện nguyện đầy tính nhân văn như vậy”.

Cuộc sống của bà Sáu Thia khó khăn nhưng cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Tính cách hào hiệp và lòng yêu trẻ của bà càng khiến cho nhiều người thán phục.

Tin tức liên quan

Sản phẩm của Hoàng Hải đạt chuẩn chất lượng Quốc gia ISO-9001
Đi chơi với gia đình, trẻ rơi 2 phút trong bể bơi mới được phát hiện
Cảnh báo hàng kém chất lượng trên thị trường hồ bơi di động
2,4 triệu USD phòng chống đuối nước cho trẻ em
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo ở Cư M’gar
Bình Thuận: Đưa môn bơi vào dạy chính thức
Bộ GD đặt mục tiêu 100% trường học sẽ có bể bơi vào năm 2020
Chàng MC dạy bơi cho trẻ em nghèo
Hồ Bơi Hoàng Hải trên báo KonTum
'Ép' bơi là môn học bắt buộc, Bộ GD&ĐT nói gì?
Bình Thuận: Hiệu quả của chương trình dạy bơi giúp học sinh tránh đuối nước
Tặng hồ bơi di động để phòng, chống đuối nước cho học sinh
Cậu học sinh 8 tuổi “liều mình” cứu bạn cùng lớp bị đuối nước
TỬ VONG DO ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM: TRƯỜNG HỌC THIẾU PHƯƠNG TIỆN DẠY BƠI
Thông báo nâng cấp nguyên liệu khung thép Hòa Phát
Bể bơi di động miễn phí cho học sinh phố núi
Viết tiếp bài về gói thầu xây hồ bơi cho học sinh tại Khánh Hòa: Cần làm rõ quy trình và chất lượng ...
Khánh Hòa quyết đưa môn bơi vào học đường
Tiền Giang trang bị hồ bơi cho học sinh phát triển kỹ năng bơi lội
Hồ Bơi Hoàng Hải trên báo Đoàn Thanh Niên
Bến Tre: Học sinh toàn trường phải biết bơi
EVN tài trợ 600 triệu đồng xây dựng bể bơi cho học sinh Quảng Ngãi
Trẻ em cần được dạy kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu
Thông báo thay đổi mã số thuế và số tài khoản ngân hàng