Giảng viên giảng và hướng dẫn thực hành kỹ năng cứu đuối (ảnh nguồn molisa)
Lớp Tập huấn nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt để về địa phương tập huấn cho cán bộ cơ sở. Các cán bộ này sẽ trở lại tập huấn cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 15 tuổi để phòng chống đuối nước.
Tham gia lớp tập huấn, các học viên được giới thiệu những nguyên nhân, thực trạng, các giải pháp, biện pháp can thiệp phòng, chống đuối nước; Cách nhận biết về môi trường nước và các nguyên tắc an toàn trong môi trường nước phòng, chống đuối nước trẻ em; Đảm bảo an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em; Các kỹ năng tự cứu khi đang bơi gặp nguy hiểm; Xử lý khi bị chuột rút; Thoát hiểm; Kỹ năng cứu đuối;…
Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, giai đoạn 2015-2017, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.
Nguyên nhân của tình trạng đuối nước ở trẻ em là do trẻ chưa ý thức đầy đủ được các nguy cơ đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ở Việt Nam trẻ từ 0-4 tuổi tỉ suất tử vong cao nhất do trẻ em dưới 5 tuổi không có khả năng tiếp cận với nước một cách an toàn mà phải thông qua người khác.
Bên cạnh đó, trẻ em thiếu sự giám sát của người lớn hoặc người giám sát không đủ năng lực. Môi trường nước xung quanh trẻ em không an toàn; thiên tai xảy ra bất ngờ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước trẻ em.
Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống đuối nước ở trẻ em còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Theo bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam Tổ chức Global Health Advocacy Incubator, đuối nước là kẻ thù thầm lặng giết chết trẻ em. Điều đáng nói, có thể phòng chống được đuối nước nếu dạy trẻ em và những người lớn về những kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Vì thế, việc trang vị những kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là điều cấp thiết.